KIẾM HỌC THƯỜNG THỨC KÌ 6: Niku trên kiếm là gì, tác dụng của nó như thế nào và tại sao nó lại được sử dụng để đánh giá về kĩ năng mài hoàn thiện những cây kiếm hàng đầu?

Cập nhật lần cuối:

KIẾM HỌC THƯỜNG THỨC KÌ 6: Niku trên kiếm là gì, tác dụng của nó như thế nào và tại sao nó lại được sử dụng để đánh giá về kĩ năng mài hoàn thiện những cây kiếm hàng đầu? Tafalo

Đang cập nhật ...

KIẾM HỌC THƯỜNG THỨC KÌ 6: Niku trên kiếm là gì, tác dụng của nó như thế nào và tại sao nó lại được sử dụng để đánh giá về kĩ năng mài hoàn thiện những cây kiếm hàng đầu?

Chào các bông hoa nhỏ ham học. Đầu tiên phải đề cập đến khái niệm Niku trên mép bén cuối cùng của kiếm. Phần này có thể được tính từ hết đường line của Shinogi - phần rộng nhất trên sống kiếm cho tới cuối mép bén, và Niku là 1 cách hạ mép chứ không phải một bộ phận trên thanh kiếm. Thuật ngữ tiếng Tây gọi là Convex to zero, và hiện vẫn được áp dụng trên rất nhiều các mẫu dao từ Âu đến Á mặc dù khác nhau về tên gọi. Niku có thể hiểu đơn giản là mài mặt cong đến mép bén cuối cùng ( không có micro bevel - mép bén phụ). Rất nhiều dòng dao chặt của các lò rèn truyền thống của Việt Nam cũng đang sử dụng loại mép này, và nó hoàn toàn xuất phát từ cải tiến trong lao động và chiến đấu chứ không hề vay mượn của bất cứ quốc gia nào khác.

Lý do xuất hiện mép Niku - convex to zero thì có rất nhiều, nhưng lý do chủ yếu là do thời xưa việc đánh bóng và hạ mép bén thực hiện bằng đá tự nhiên. Những viên đá tự nhiên thuộc loại sét kết sẽ mang lại độ bén và độ hoàn thiện cuối cùng tốt nhất, những viên đá thuộc loại cát kết sẽ sử dụng để mài thô, mài phá nhanh nhất.

Tuy nhiên nhược điểm của đá sét kết là bề mặt mềm mịn, và dễ bị võng theo thời gian sử dụng. Mép bén cuối cùng của kiếm khi mài trên viên đá võng cũng sẽ có độ võng tương tự. Đó là lý do xuất hiện những thanh kiếm - vũ khí có mép niku đầu tiên. Tuy nhiên trong quá trình lao động - chiến đấu người dùng và nghệ nhân chế tác đều đồng ý rằng mép Niku - Convex to zero có những ưu điểm sau đây:

1. Độ chịu lực: Độ chịu lực khi va chạm trực tiếp với giáp cứng hoặc các binh khí khác của loại mép Niku - Convex to zero là tốt nhất, tốt hơn rất nhiều so với các loại mép Noniku - Full flat, hoặc lõm hollow

2. Sức công phá: một con dao hoặc kiếm sử dụng mép bén Niku sẽ có sức công phá lớn hơn với các loại giáp, và gây ra vết thương lớn hơn khi tiếp xúc với da thịt. Đây là điều rất quan trọng với tư duy gây ra tối đa sát thương trong một động tác.

Các thực nghiệm bằng khoa học hiện đại và những cuộc tranh luận trên các diễn đàn chế tác dao lớn đưa ra rất nhiều dẫn chứng về vấn đề này, bạn có thể tham khảo tại: https://www.bladeforums.com/.../zero-bevel-or-micro.../

Thông thường chúng ta thường thích thú hơn với những thanh kiếm có thể chẻ đôi sợi tóc, cắt đôi dải lụa bằng việc vung kiếm, chặt 5-6 chiếc chiếu tatami trong các cuộc thi xếp hạng của môn Kendo. Tuy nhiên những thanh kiếm như vậy thường là những thanh kiếm mỏng, bề rộng lớn và mài noniku ( full flat) để tối ưu cho khả năng cắt chứ không phải chặt. Tức là nó sẽ được sử dụng để cắt những vật liệu mềm và đồng nhất. Một thanh kiếm cắt tốt có thể dễ dàng bị phá huỷ nếu chặt sai vật liệu, hoặc chặt sai cách, hoặc đơn giản là người cầm kiếm đã quá mệt để chặt đúng cách.

Vậy tại sao mài niku lại là tiêu chuẩn để đánh giá những thanh kiếm cao cấp?

Tạm đặt chuyện mài tách hamon và đánh bóng lưỡi kiếm sang 1 bên, việc mài mép bén niku về cơ bản là rất dễ. Chỉ cần rèn thô hoặc mài thô mép kiếm về mép bén cuối từ 0,5-1mm, sau đó thực hiện mài bén bằng cách áp cả lưỡi của thanh kiếm vào một viên đá mài bị võng ở giữa, biên dạng của viên đá cộng với cử động không đồng nhất của cổ tay và vai sẽ khiến biên dạng cuối có dạng Niku (convex).

Tuy nhiên nên nhớ rằng 1 thanh kiếm có độ dày ở phần gốc và mũi lưỡi kiếm không bằng nhau. Độ rộng bản lưỡi gần cán cũng gần gấp đôi phần mũi. Như vậy góc mài thô, rèn thô, và góc mài bén cũng sẽ thay đổi không hề giống nhau ở trên các phần của lưỡi kiếm. 1 lưỡi kiếm dày 7,5mm bản rộng 3,4cm sẽ có góc mài thô 8.45 độ mỗi bên ở chỗ rộng nhất, và giảm dần về 6.95 độ ở mũi. Và việc mài mép bén niku phù hợp cho từng đoạn, sau đó thực hiện mài tách hamon và cuối cùng là mài bén chỉ có thể thực hiện bởi những nghệ nhân hàng đầu.

Với thời đại chiến tranh bằng hạt nhân, bằng thương mại, bằng công nghệ này. Việc xuất hiện của mép bén Niku trên một thanh kiếm cổ chỉ đơn thuần mang yếu tố lịch sử, bởi chẳng có ai mang một thanh kiếm cổ 3-400 tuổi đi chém giáp sắt hoặc chém thanh kiếm khác. Tuy nhiên việc nâng mức từ công năng trở thành một tác phẩm nghệ thuật, một tín ngưỡng như những nghệ nhân mài kiếm Nhật vẫn xứng đáng được nhắc đến và trân trọng.

Bê bài đi đâu nhớ để nguồn tác giả Nguyễn Hữu HảiVuadaobep.com để thể hiện sự tôn trọng. Xin cảm ơn.